Sở hữu lợi thế quỹ đất rộng và có ngành nông nghiệp đa dạng, huyện Hớn Quản tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) và hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm khai thác tối đa tiềm năng của địa phương.
Khởi sắc về kinh tế
Hớn Quản là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Phước, cách TP.Đồng Xoài hơn 40 km. Sau hơn 10 năm tái lập theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 11/8/2009 của Chính phủ, đến nay Hớn Quản đã từng bước đổi thay, phát triển tương đối toàn diện, nhất là lĩnh vực kinh tế.
Bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 7,4%/năm. Tính đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (giá cố định năm 2010) đạt 2.892 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng đạt 832 tỷ đồng; giá trị ngành thương mại – dịch vụ đạt 1.187 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 58,2 triệu đồng/người, tăng 18,7 triệu đồng so với năm 2016.
Đến nay, trên địa bàn huyện được quy hoạch 3 khu công nghiệp (KCN), gồm: KCN Minh Hưng – Sikico (diện tích 655 ha), KCN Việt Kiều (104 ha), Tân Khai II (160 ha), hiện đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp; 5 cụm công nghiệp (CCN) và Nhà máy xi măng Minh Tâm. Thời gian tới, khi các KCN, CCN và các nhà máy đi vào hoạt động sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển KT-XH của huyện.
Mô hình trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ của ông Phạm Văn Tấn (bên phải) ở thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản
Trong nhiệm kỳ 2021 – 2025, Hớn Quản đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản trở thành huyện có ngành nông nghiệp phát triển chiều sâu, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách ở mức 15%/năm, đến năm 2025 thu ngân sách đạt 436 tỷ đồng…
Để đạt những mục tiêu trên, bên cạnh việc thu hút đầu tư, phát triển các KCN, CCN đã được quy hoạch; huyện tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp ƯDCNC và nông nghiệp hữu cơ; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH; quy hoạch và phát triển đô thị, thực hiện xã hội hóa việc đầu tư, kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng. Phát triển khu du lịch sinh thái, thu hút các loại hình dịch vụ: vận tải, bưu chính viễn thông, khoa học – công nghệ, ngân hàng và các dịch vụ gắn với du lịch…
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Huyện Hớn Quản có vị trí địa lý rất thuận lợi, phía Bắc giáp TX.Bình Long, là trung tâm đô thị phía Tây tỉnh; phía Nam giáp huyện Chơn Thành, là một trong những trung tâm công nghiệp của Bình Phước trong thời gian tới. Cùng với việc gần các KCN của tỉnh Bình Dương, KCN của huyện Chơn Thành, huyện có điều kiện đón đầu, tiếp nhận sự lan tỏa đầu tư trong thời gian tới.
KCN Minh Hưng – Sikico được kỳ vọng tạo điểm nhấn thu hút đầu tư của huyện Hớn Quản trong thời gian tới
Hệ thống giao thông của huyện cũng khá thuận lợi, với quốc lộ 13 đi qua, là tuyến giao thông quan trọng kết nối các khu kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Bộ. Trong tương lai, Hớn Quản nằm trên trục đường sắt Xuyên Á, tuyến đường cao tốc kết nối du lịch, lưu thông hàng hóa của khu vực. Trong 5 năm qua, huyện rất chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển KT-XH và thu hút đầu tư. Cụ thể, nhiều tuyến đường được tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện như: ĐT 752, ĐT 758, ĐT 756,…; đồng thời nâng cấp, sửa chữa, duy tu hơn 477 km đường giao thông do huyện quản lý.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm của huyện và phối hợp thực hiện các tuyến đường tỉnh đầu tư trên địa bàn, gồm: Xây dựng đường An Phú kết nối với đường phía Tây quốc lộ 13; xây dựng đường từ KCN Sikico – KCN Việt Kiều; xây dựng đường từ Tân Khai đi Phước An, Tân Quan; đường từ Phước An đi Tân Quan; đường từ xã Tân Hưng đi xã Long Tân (huyện Phú Riềng); đường phía Tây quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành – Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đi qua địa bàn huyện; nâng cấp, mở rộng tuyến đường Minh Lập – Lộc Hiệp phía Đông quốc lộ 13…
Chia sẻ về định hướng phát triển thời gian tới, bà Phan Thị Kim Oanh – Chủ tịch UBND huyện cho biết: Là địa phương có đất đai rộng, bằng phẳng và truyền thống canh tác nông nghiệp, đến nay Hớn Quản đã hình thành những vùng chuyên canh quy mô như: cây cao su, cây điều, cây ăn quả… và chăn nuôi. Do đó bên cạnh việc thu hút đầu tư, phát triển các KCN, CCN đã được quy hoạch, huyện sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp hữu cơ theo hướng phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp; tích cực phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thực hiện Dự án nông nghiệp ƯDCNC quy mô 500 ha tại xã Minh Đức…
Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm về nông nghiệp làm hạt nhân thực hiện các dự án nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho nhân dân; nâng cao giá trị cho nông sản địa phương và tạo “đòn bẩy” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Ngoài ra, với các KCN, CCN đã được quy hoạch hiện có, huyện đang tiếp tục rà soát điều chỉnh vị trí, tăng diện tích các CCN lên tối đa theo quy định để thuận lợi trong thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến nông sản, có công nghệ hiện đại, sạch, thị trường tiêu thụ lớn đến đầu tư nhằm chế biến sâu và xây dựng thương hiệu cho nông sản của huyện. Về phía huyện sẽ chủ động cung cấp, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thông tin quy hoạch của địa phương; hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, có khả năng nắm bắt, thực hiện các khâu liên kết…
Trong những năm gần đây, các cấp, các ngành của tỉnh Bình Phước đã nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch…, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng điều hành KT-XH. Nhờ đó, năm 2020, Bình Phước đã vươn lên 11 bậc, xếp thứ 50/63 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
“Hòa chung chuyển động của tỉnh nhà, lãnh đạo huyện luôn coi thành công của doanh nghiệp là hiệu quả điều hành của chính quyền địa phương. Hớn Quản cam kết luôn đồng hành, luôn lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác, phát triển với cam kết thực hiện phương châm: 2 nhanh 3 tốt của tỉnh (giải phóng mặt bằng nhanh, giải quyết thủ tục đầu tư nhanh và chính sách tốt, hạ tầng tốt, tình cảm tốt)”, bà Phan Thị Kim Oanh khẳng định.
Nguồn: Vietnam Business Forum